Prololsavi 10 là thuốc gì?
Prololsavi 10 là thuốc được nghiên cứu và bào chế bởi công ty Cổ phần Dược phẩm SaVi. Thuốc có chứa hoạt chất chính là Bisoprolol fumarat với hàm lượng 10mg, có công dụng trong điều trị tăng huyết áp và đau thắt ngực. Thuốc được bào chế dạng viên nén bao phim, dùng đường uống. Thuốc Prololsavi 10 được đóng gói dạng hộp, bên trong chứa 3 vỉ x 10 viên.
Thành phần
Bisoprolol fumarat: 10mg
Công dụng của thuốc Prololsavi 10
Tăng huyết áp từ nhẹ đến vừa. Có thể dùng đơn trị liệu hoặc phối hợp với các thuốc chống tăng huyết áp khác, đặc biệt là thuốc lợi tiểu.
Cơn đau thắt ngực.
Điều trị và hỗ trợ bệnh suy tim mãn tính ổn định.
Cơ chế tác dụng của thuốc
Bisoprolol fumarat là một thuốc thuộc nhóm chẹn Beta, nhưng không có tác dụng làm ổn định màng và tác dụng giống thần kinh nội giao cảm khi dùng trong liều điều trị. Khi dùng liều thấp Bisoprolol chọn lọc đáp ứng theo cơ chế cạnh tranh chẹn thụ thể β1 adrenalin ở tim, nhưng tác dụng ít hơn trên thụ thể β2 ở thành mạch và cơ trơn phế quản. Khi dùng liều cao, thuốc có tác dụng mạnh hơn trên thụ thể β2 và ít tác dụng hơn trên thụ thể β1.
Hướng dẫn sử dụng
Liều dùng và cách dùng:
Liều dùng:
Trong điều trị đau thắt ngực và tăng huyết áp:
Liều thông thường duy nhất từ 5 – 10 mg Bisoprolol/ ngày.
Liều Bisoprolol tối đa là 20 mg/ ngày.
Không cần thiết phải điều chỉnh liều ở người bệnh rối loạn chức năng gan và thận từ nhẹ đến vừa. Liều khởi đầu có thể là 2,5 mg Bisoprolol/ ngày và lưu ý điều chỉnh liều cho phù hợp. Liều dùng không được vượt quá 10 mg Bisoprolol/ ngày đối với người bệnh suy thận nặng (độ thanh thải creatinine dưới 20 ml/ min) hoặc người bệnh rối loạn chức năng gan nghiêm trọng.
Trong điều trị suy tim:
Liều khởi đầu: Sử dụng liều duy nhất 1,25 mg Bisoprolol/ ngày. Nếu người bệnh dung nạp thuốc tốt, có thể tăng liều Bisoprolol lên gấp đôi sau 1 tuần điều trị và tăng liều dần dần trong khoảng từ 1-4 tuần đến liều tối đa mà người bệnh có thể dung nạp được nhưng không nên vượt quá 10 mg Bisoprolol/ ngày.
Không cần thiết điều chỉnh liều ở người bệnh lớn tuổi trừ trường hợp bị rối loạn chức năng gan và thận đáng kể.
Cách dùng:
Thuốc dùng đường uống.
Đối tượng sử dụng:
Người trưởng thành và trẻ em mắc bệnh kể trên nhận được chỉ định của bác sĩ.
Quá liều:
Khi dùng quá liều Prololsavi 10 thường gặp nhất là chậm nhịp và hạ huyết áp. Phải ngưng sử dụng Prololsavi 10 ngay và điều trị bằng cách tiêm tĩnh mạch atropine (1 -2 mg), nếu cần có thể theo - sau bởi một liều truyền tĩnh mạch 25mcg isoprenaline, cũng có thể dùng liều từ 1-5 mg glucagon.
Chống chỉ định
Thuốc Prololsavi 10 chống chỉ định dùng trong trường hợp sau/ không được sử dụng trong các trường hợp:
Người bệnh quá mẫn với Bisoprolol, các thuốc chẹn beta hoặc bất kỳ thành phần tá dược nào có trong thuốc.
Sốc do tim, suy tim mất bù.
Rối loạn dẫn truyền nhĩ thất.
Blốc xoang nhĩ và hội chứng rối loạn nút xoang.
Nhịp tim chậm trước khi bắt đầu điều trị.
Huyết áp thấp.
Nhiễm acid chuyển hóa.
Người bệnh mắc bệnh hen phế quản, viêm phế quản và các bệnh đường hô hấp mạn tính.
Người bệnh đang điều trị bằng các thuốc ức chế MAO.
Rối loạn tuần hoàn ngoại biên giai đoạn tiến triển.
Hội chứng Raynaud.
Tác dụng phụ của thuốc Prololsavi 10
Thường gặp:
Đau nhức đầu, chóng mặt.
Hoa mắt, mệt mỏi.
Đổ mồ hôi
Hay lo lắng, rối loạn giấc ngủ và xuất hiện những giấc mơ mạnh.
Mất tập trung và trầm cảm.
Cảnh báo khi sử dụng
Thận trọng sử dụng Bisoprolol trên người bệnh suy tim sung huyết. Tuy nhiên, ở một số người bệnh suy tim phải bù, nếu cần thiết sử dụng thuốc Prololsavi 10 thì phải thật thận trọng.
Những người bệnh mắc động mạch vành có thể gia tăng thêm cơn đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim hoặc loạn nhịp tâm thất khi ngừng điều trị đột ngột các thuốc chẹn bêta. Nên thận trọng khi ngưng điều trị thuốc Prololsavi 10 nếu không có hướng dẫn của bác sĩ.
Người bệnh co thắt phế quản không đáp ứng hoặc không dung nạp liệu pháp chống tăng huyết áp khác có thể dùng Bisoprolol với mức thận trọng do tính chọn lọc beta1 tương đối. Vì thế, trường hợp này có thể dùng thuốc ở liều thấp nhất, với liều khởi đầu là 2,5 mg Bisoprolol/ ngày. Cũng có thể dùng đồng thời Bisoprolol với một thuốc kích thích bêta 2 (chất gây giãn phế quản).
Nên ngưng sử dụng thuốc Prololsavi 10 ít nhất 48 giờ trước khi người bệnh được phẫu thuật. Nếu phải sử dụng thuốc trong suốt quá trình phẫu thuật, nên thận trọng đối với các tác nhân gây mê như ether, cyclopropan và trichloroethylene. Nếu quá liều Bisoprolol, xử lý với atropin 1-2 mg I.V.
Prololsavi 10 che giấu biểu hiện hạ đường huyết nhất là tình trạng nhịp tim nhanh. Tuy nhiên, ở người bệnh tiểu đường được chỉ định sử dụng các thuốc hạ đường huyết dạng uống hoặc insulin, nên thận trọng sử dụng Bisoprolol.
Prololsavi 10 có thể che dấu các dấu hiệu lâm sàng cường tuyến giáp như nhịp tim nhanh. Sự ngừng đột ngột thuốc Prololsavi 10 có thể thúc đẩy cơn nhiễm độc tuyến giáp.
Tương tác
Không nên phối hợp Bisoprolol với các thuốc chẹn beta khác.
Điều trị đồng thời Bisoprolol với các thuốc làm cạn kiệt catecholamine (reserpin, alpha-methyldopa, clonidin, guanethidine) có thể làm giảm đáng kể nhịp tim. Ở người bệnh được điều trị đồng thời với clonidine, nếu muốn ngừng thuốc, khuyến cáo nên ngưng sử dụng Bisoprolol trong vài ngày trước khi ngưng clonidine.
Sử dụng đồng thời thuốc Prololsavi 10 với thuốc làm giãn cơ tim hay ức chế dẫn truyền nhĩ thất như tác nhân chống loạn nhịp hoặc một số thuốc đối vận calci có thể xảy ra tình trạng rối loạn nhịp tim, suy tim, hạ huyết áp, nhịp tim chậm.
Khi dùng đồng thời Bisoprolol với reserpin, alpha-methyldopa, guanfacine, clonidine hoặc các glycoside có thể làm giảm đáng kể nhịp tim.
Rifampin kết hợp với Bisoprolol làm tăng chuyển hóa thải trừ Bisoprolol fumarate, do đó rút ngắn thời gian bán thải của thuốc.
Sử dụng thuốc Prololsavi 10 cùng lúc với insulin và thuốc làm giảm đường huyết đường uống, có thể làm tăng khả năng tác dụng của Bisoprolol. Các triệu chứng hạ đường huyết thường gặp nhất là nhịp tim nhanh có thể bị che lấp đi hoặc bị giảm nhẹ. Khi sử dụng kết hợp, người bệnh cần được kiểm tra hàm lượng đường huyết một cách đều đặn.
Lời khuyên an toàn
Thai kỳ:
Không nên sử dụng cho đối tượng này.
Cho con bú:
Không nên sử dụng cho đối tượng này.
Cách bảo quản
Bảo quản thuốc nơi khô ráo thoáng mát
Tránh ánh nắng trực tiếp của mặt trời.
Nhà sản xuất
Tên: Công ty Cổ phần Dược phẩm SaVi
Xuất xứ: Việt Nam