1. Thuốc Jiracek công dụng gì?
Thuốc Jiracek công dụng gì? Thuốc Jiracek có thành phần chính là Esomeprazol với hàm lượng 20 và 40mg, được bào chế dạng viên nén bao phim tan trong ruột.
Esomeprazol là một thuốc ức chế tiết acid dịch vị, có tác dụng ức chế sự tiết acid của tế bào viền ở dạ dày. Thuốc có thể gây ức chế sự tiết acid cơ bản và kể cả khi bị kích thích với các yếu tố như stress, bị lạnh...
Khi dùng Esomeprazol giúp cho các vết loét, vết xước ở đường tiêu hoá dễ dàng được phục hồi hơn, các nghiên cứu chỉ ra tác dụng thuốc với tình trạng này được cải thiện sau 4-8 tuần dùng thuốc. Esomeprazol không làm giảm tổng lượng dịch vị được tiết ra, mà nó chỉ làm giảm lượng acid có trong dịch vị.
2. Chỉ định và chống chỉ định của thuốc Jiracek
2.1. Chỉ định
Thuốc Jiracek được chỉ định trong các trường hợp sau:
Đối với người lớn:
- Bệnh trào ngược dạ dày-thực quản (GERD): Điều trị tình trạng viêm xước thực quản do trào ngược; Điều trị dài hạn cho những bệnh nhân viêm thực quản đã chữa lành để phòng ngừa tái phát; Điều trị triệu chứng của bệnh trào ngược dạ dày-thực quản (GERD)
- Kết hợp với kháng sinh tạo ra một phác đồ kháng khuẩn thích hợp để diệt trừ Helicobacter pylori, giúp chữa lành loét tá tràng có nhiễm Helicobacter pylori.
- Phòng ngừa nguy cơ tái phát loét dạ dày-tá tràng ở bệnh nhân loét có nhiễm Helicobacter pylori.
- Bệnh nhân cần phải điều trị bằng thuốc kháng viêm không steroid (NSAID) liên tục, dùng thuốc để chữa lành loét dạ dày hay dự phòng nguy cơ loét do dùng thuốc NSAID.
- Điều trị duy trì sau khi đã điều trị phòng ngừa tái xuất huyết do loét dạ dày tá tràng bằng đường tĩnh mạch.
- Điều trị hội chứng Zollinger Ellison
Trẻ vị thành niên từ 12 tuổi trở lên:
- Bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD): Điều trị tình trạng viêm xước thực quản do trào ngược; Điều trị những trường hợp dài hạn cho bệnh nhân viêm thực quản đã chữa lành để phòng ngừa tái phát; Điều trị triệu chứng của bệnh trào ngược dạ dày-thực quản (GERD).
- Kết hợp với kháng sinh trong điều trị loét tá tràng do nhiễm Helicobacter pylori.
2.2.Chống chỉ định
Không dùng thuốc Jiracek trong trường hợp sau:
- Quá mẫn với esomeprazol hoặc với các thuốc ức chế bơm proton khác
- Người bệnh quá mẫn với các dẫn chất thế benzimidazol, hoặc quá mẫn với bất kỳ thành phần nào của thuốc.
- Không dùng thuốc này đồng thời với nelfinavir
3. Liều lượng và cách dùng thuốc Jiracek
3.1. Cách dùng
Hoạt chất Esomeprazol không ổn định trong môi trường acid. Cho nên người bệnh phải uống thuốc dưới dạng viên bao tan trong ruột để thuốc không bị phá hủy ở dạ dày và tăng sinh khả dụng. Khi uống phải nuốt nguyên viên thuốc với nước, không được nghiền nhỏ, nhai hoặc làm vỡ viên thuốc. Người bệnh nên uống thuốc này trước bữa ăn ít nhất một giờ, có thể dùng thuốc cùng kháng acid khi cần thiết để giảm đau.
3.2.Liều dùng
Người lớn và trẻ em ≥ 12 tuổi:
Bệnh trào ngược dạ dày - thực quản (GERD)
- Điều trị trào ngược dạ dày - thực quản có tình trạng viêm trợt thực quản dùng 40mg x 1 lần/ ngày, uống trong 4 tuần. Khuyến cáo có thể điều trị thêm 4 tuần nữa nếu như viêm thực quản chưa khỏi hoặc có các triệu chứng kéo dài.
- Điều trị duy trì ở những bệnh nhân đã điều trị khỏi tình trạng viêm thực quản để tránh tái phát uống 20 mg x 1 lần/ ngày.
- Điều trị các triệu chứng của bệnh trào ngược dạ dày - thực quản (GERD): Uống 20 mg x 1 lần/ ngày ở bệnh nhân không bị viêm trợt thực quản. Nếu như không thể kiểm soát được triệu chứng sau 4 tuần, bệnh nhân cần tìm nguyên nhân bằng cách được kiểm tra thêm.
- Khi các triệu chứng bệnh đã được giải quyết, việc kiểm soát triệu chứng sau đó có thể đạt được với liều 20 mg x 1 lần/ ngày.
Dùng phối hợp với phác đồ kháng sinh thích hợp để diệt trừ Helicobacter pylori ở người lớn:
- Điều trị loét tá tràng do Helicobacter pylori và dự phòng ngừa tái phát loét dạ dày do Helicobacter pylori: Dùng phác đồ 20 mg esomeprazol + 1g amoxicillin + 500mg clarithromycin, cần uống 2 lần trên ngày trong 7 ngày.
Bệnh nhân cần điều trị với các thuốc chống viêm không steroid (NSAIDs):
- Điều trị loét dạ dày do dùng thuốc NSAID: Liều thông thường là 20 mg x 1 lần/ ngày. Điều trị trong vòng khoảng 4 - 8 tuần.
- Dự phòng nguy cơ loét dạ dày - tá tràng do NSAID ở bệnh nhân có nguy cơ: Uống 20 mg x 1 lần/ ngày.
Điều trị thuốc dạng uống kéo dài sau khi tiêm truyền tĩnh mạch Esomeprazol để phòng ngừa xuất huyết tái phát trong loét dạ dày - tá tràng: Uống với liều thuốc 40mg x lần/ ngày trong vòng 4 tuần sau khi đã tiêm tĩnh mạch để phòng ngừa xuất huyết tái phát trong loét dạ dày - tá tràng.
Điều trị hội chứng Zollinger Ellison: Liều khởi đầu là 40 mg x 2 lần/ ngày. Liều sau đó được điều chỉnh tùy theo từng bệnh nhân và tiếp tục điều trị khi người bệnh còn có chỉ định lâm sàng. Dựa trên dữ liệu lâm sàng hiện có, trong hầu hết bệnh nhân có thể kiểm soát được bệnh ở liều 80 - 160 mg/ ngày. Các liều lượng lớn hơn 80 mg/ ngày nên chia ra uống 2 lần/ ngày.
Trẻ em ≥ 12 tuổi dùng thuốc để điều trị loét tá tràng do Helicobacter pylori
- Khi lựa chọn các liệu pháp phối hợp thích hợp, cần xem xét các hướng dẫn phù hợp khả năng kháng khuẩn, thời gian điều trị (thường là 7 ngày nhưng đôi khi có thể lên đến 14 ngày) và sử dụng kháng sinh hợp lý.
- Liều khuyến cáo là: Trẻ từ 30 - 40 kg dùng phối hợp với 2 kháng sinh gồm 20 mg esomeprazol + 750 mg amoxicillin + 7,5 mg/ kg thể trọng clarithromycin, uống 2 lần/ ngày trong 1 tuần; trẻ > 40 kg dùng phối hợp với 2 kháng sinh: 20 mg esomeprazol + 1 g amoxicillin + 500 mg clarithromycin, uống 2 lần/ ngày trong 1 tuần.
Trẻ em dưới 12 tuổi: Không khuyến cáo sử dụng esomeprazol cho trẻ em dưới 12 tuổi.
Bệnh nhân suy giảm chức năng thận
Không cần chỉnh liều ở những bệnh nhân suy thận nhẹ, nhưng cần phải thận trọng ở bệnh nhân suy thận nặng do hiện tại kinh nghiệm dùng thuốc ở những bệnh nhân này còn hạn chế.
Bệnh nhân suy giảm chức năng gan
Không cần chỉnh liều ở bệnh nhân suy gan nhẹ. Ở bệnh nhân suy gan nặng, liều tối đa hàng ngày không quá 20 mg.
Người cao tuổi
Không cần thiết phải chỉnh liều ở người cao tuổi
4. Tác dụng phụ khi dùng thuốc Jiracek
Những tác dụng không mong muốn có thể gặp phải khi dùng thuốc gồm:
- Thường gặp: Đau đầu; Buồn nôn, nôn, đau bụng, tiêu chảy, táo bón, đầy hơi.
- Ít gặp: Phù ngoại biên; Mất ngủ; Choáng, buồn ngủ, dị cảm; Chóng mặt; Khô miệng; Tăng enzym gan; Viêm da, ngứa, phát ban, nổi mày đay; Làm dễ gãy xương hông, cổ tay hoặc cột sống.
- Hiếm gặp: Giảm bạch cầu, giảm tiểu cầu; Phản ứng quá mẫn có thể gặp như sốt, phù mạch, phản ứng phản vệ, sốc phản vệ; Hạ natri huyết; Kích động, trầm cảm, lú lẫn; Rối loạn vị giác; Nhìn mờ; Co thắt phế quản; Viêm miệng, nhiễm nấm candida đường tiêu hóa; Viêm gan kèm hoặc không kèm vàng da; Nhạy cảm ánh sáng, rụng tóc; Đau khớp, đau cơ; Mệt mỏi, đổ mồ hôi.
- Rất hiếm gặp: Giảm toàn thể huyết cầu, mất bạch cầu hạt; Biểu hiện hung tính, ảo giác; Suy chức năng gan, bệnh não gan ở những bệnh nhân bị bệnh gan từ trước; Hồng ban đa dạng, ban bọng nước, hội chứng Stevens - Johnson, hoại tử biểu bì nhiễm độc; Yếu cơ; Viêm thận kẽ; Chứng vú to ở nam giới.
- Khác: Hạ magnesi huyết, hạ magnesi huyết nặng, hạ calci huyết; Viêm đại tràng vi thể; tăng nguy cơ nhiễm khuẩn ở đường tiêu hóa.
Khi dùng thuốc nếu người bệnh thấy xuất hiện các tác dụng phụ cần thông báo ngay cho bác sĩ. Với những tác dụng phụ nặng cần phải ngừng thuốc và tới cơ sở y tế để được điều trị.
5. Những điều cần chú ý khi dùng thuốc Jiracek
- Khi người bệnh có các triệu chứng như sút cân mạnh không chủ ý, nôn nhiều tái diễn, nôn ra máu hoặc đại tiện ra máu, khi nghi ngờ hoặc xác định có loét dạ dày, cần phải loại trừ khả năng gặp phải bệnh ác tính, vì dùng thuốc có thể che lấp triệu chứng và làm chậm chẩn đoán.
- Thận trọng khi dùng ở người bị mắc bệnh gan, người mang thai hoặc cho con bú.
- Dùng esomeprazol kéo dài có thể gây ra viêm teo dạ dày hoặc tăng nguy cơ nhiễm khuẩn (như viêm phổi mắc phải tại cộng đồng), cho nên cần theo dõi khi dùng dài ngày.
- Khi dùng để diệt Helicobacter pylori: Cần cân nhắc khả năng xảy ra tương tác với các thuốc khác khi dùng esomeprazol trong phác đồ 3 thuốc diệt Helicobacter pylori. Clarithromycin là một thuốc ức chế CYP3A4 mạnh, do đó lưu ý các trường hợp có chống chỉ định và tương tác thuốc của clarithromycin khi dùng Clarithromycin trong phác đồ 3 thuốc cho những bệnh nhân đang sử dụng đồng thời các thuốc chuyển hóa qua CYP3A4 như thuốc cisaprid.
- Điều trị với các thuốc ức chế bơm proton có thể làm tăng nhẹ nguy cơ nhiễm trùng đường tiêu hóa như nhiễm Salmonella và Campylobacter. Có thể tăng nguy cơ tiêu chảy do Clostridium difficile khi dùng các thuốc ức chế bơm proton.
- Như các thuốc kháng acid khác, khi dùng esomeprazol có thể làm giảm hấp thu vitamin B12 (cyanocobalamin) do tác dụng làm giảm hoặc thiếu acid dịch vị. Cần cân nhắc khi dùng thuốc này cho những bệnh nhân bị giảm dự trữ vitamin B12 hoặc người có các yếu tố nguy cơ làm giảm hấp thu vitamin B12 khi điều trị kéo dài.
- Nguy cơ gãy xương: Khi dùng các thuốc ức chế bơm proton, nhất là khi dùng dài ngày có thể làm tăng nguy cơ gãy xương chậu, xương cổ tay hoặc cột sống do loãng xương, chủ yếu xảy ra ở người cao tuổi hoặc người có sẵn các yếu tố nguy cơ. Những bệnh nhân có nguy cơ gãy xương do loãng xương nên dùng đủ calci và vitamin D, đánh giá tình trạng xương và quản lý theo hướng dẫn.
6. Tương tác thuốc
Dùng phối hợp các thuốc khác có thể gây tương tác:
- Không khuyến cáo dùng đồng thời thuốc esomeprazol và atazanavir. Nếu như bắt buộc dùng đồng thời cần phải theo dõi chặt chẽ, tăng liều atazanavir lên 400 mg phối hợp với 100mg ritonavir, không nên dùng esomeprazol quá 20 mg.
- Esomeprazol là chất ức chế CYP2C19. Khi bắt đầu hoặc kết thúc điều trị với esomeprazol, cần phải cân nhắc các tương tác có thể xảy ra với các thuốc chuyển hóa qua CYP2C19. Đã có những báo cáo tương tác thuốc xảy ra giữa clopidogrel và esomeprazol. Cần thận trọng với tương tác này, không khuyến cáo dùng đồng thời esomeprazol và clopidogrel.
- Thận trọng đối với tá dược magnesi hydroxid: Thuốc này có chứa magnesi hydroxyd gây nhuận tràng và có thể dẫn đến ỉa chảy.